Cùng với các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn và sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương đến hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh, kinh tế nông nghiệp của tỉnh những năm qua đã có nhiều chuyển biến tốt đẹp và gặt hái được nhiều thành công. Có được những kết quả khả quan đó phải kể đến vai trò to lớn trong việc định hướng và khuyến khích kinh doanh sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp.

Mô hình sản xuất cà rốt của HTX Thuận Hòa (Thạch Văn) nhận được nhiều sự quan tâm

HTX nông nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội

Với tập quán canh tác làm nông và trồng các sản phẩm nông nghiệp thì thành lập HTX có lẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất cho các hộ dân. Hình thức này không hạn chế số lượng thành viên tham gia, các thành viên tuân thủ các quy định, điều lệ họat động của HTX, thực hiện các nhiệm vụ được giao và đóng góp vào sự vững mạnh của HTX.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, đây vẫn là mô hình giữ vai trò to lớn trong xã hội. Các HTX hoạt động tốt sẽ góp phần vào việc ổn định trật tư, an ninh chính trị, xã hội thông qua các hoạt động kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng. Tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cùng một tập thể cũng được duy trì và phát huy.

HTX nông nghiệp là tổ chức kinh tế như mọi tổ chức kinh tế khác, tham gia vào các họat động kinh tế và đem lại các lợi ích cho từng cá nhân, tập thể, xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế tại địa phương.

Phát triển kinh tế nông nghiệp với mô hình Hợp tác xã tại Hà Tĩnh

Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2017, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1278 Hợp tác xã, trong đó HTX nông nghiệp là 375 HTX, số lượng HTX nông nghiệp họat động có hiệu quả vẫn ở mức khá khiêm tốn.

Các HTX nông nghiệp hăng say sản xuất

Các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Điển hình như: HTX Nông nghiệp Kỳ Giang (Kỳ Anh), HTX Kinh doanh dịch vụ hải sản Hùng Mạnh, xã Thạch Kim (Lộc Hà), HTX Dịch vụ tổng hợp Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), HTX Đại Tân xã Trường Sơn (Đức Thọ); HTX Chăn nuôi tổng hợp Tiền Phong (Nghi Xuân); HTX Thuận Hòa (Thạch Văn – Thạch Hà); HTX chăn nuôi và kinh doanh thương mại tổng hợp Hương Giang (Vũ Quang),….

Số lượng HTX lĩnh vực chăn nuôi lợn phát triển về số lượng trong thời gian qua

Vùng sản xuất rau sạch trên cát hoang tại Thạch Châu- Thạch Hà

Thu nhập của các thành viên và người lao động trong HTX tăng khá nhanh, nhất là các HTX hoạt động ở lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng – chế biến nông – lâm – thủy sản, dao động từ 3,6 – 6 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của các HTX chăn nuôi từ 500 triệu – 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các HTX họat động trong lĩnh vực cung ứng thủy lợi, vật tư phân bón cũng thu được nhiều kết quả khả quan, với lợi nhuận đạt từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng/năm.

Hà Tĩnh luôn quan tâm sát sao đến họat động phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 90/2014/NQ-HDND về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn cùng một số văn bản hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ, khuyến khích họat động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Một số dự án phát triển nông nghiệp thu được thành công như: Dự án phát triển kinh tế bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh thông qua các Tổ hợp tác, HTX; Dự án rau, củ, quả an toàn công nghệ cao (dự án RAT); mô hình chăn nuôi lợn thịt liên kết với Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh.

Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế hợp tác xã nông nghiệp lại càng được đặt ra một cách quan trọng hơn bao giờ hết. Cấp thiết đổi mới phương thức họat động để thích nghi với môi trường tình hình mới, môi trường mới là một trong những nội dung quan trọng cần được các HTX tại Hà Tĩnh triển khai thực hiện./.

 

Vai trò của Hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Hà Tĩnh