oàn xã Thái Yên (Đức Thọ – Hà Tĩnh) có 1.000 hộ dân tham gia sản xuất gỗ, 11 doanh nghiệp (DN), 9 tổ hợp sản xuất và 33 cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp. Giá trị sản xuất tại cụm công nghiệp và làng nghề chiếm 95%, nhưng, sản phẩm ở làng nghề có truyền thống hàng trăm năm này vẫn chưa thể thoát khỏi “ao làng” và đang “giẫm chân” ở lối làm ăn thời vụ…

Luẩn quẩn “ao nhà”…

Không còn cảnh những người thợ hối hả cưa xẻ, đục, bào, tấp nập người bán, kẻ mua như thời điểm trước tết Nguyên đán, làng nghề Thái Yên trở lại yên ắng, thưa thớt người qua lại. Bí thư Đảng ủy xã Thái Yên Phan Thanh Tuấn cho biết: “Hàng chủ yếu tập trung vào thời điểm cuối năm, lượng sản phẩm bán ra chiếm hơn 60% mức tiêu thụ trong cả năm”.

Đầu tư máy móc, tay nghề công nhân, thay đổi tư duy mẫu mã… là những bước quan trọng để phát triển bền vững làng nghề Thái Yên

DN tư nhân Dương Trị là cơ sở sản xuất đồ mộc nổi tiếng ở Thái Yên nhiều năm nay. Từ cao cấp đến bình dân, loại nào cũng có, mùa cao điểm, cơ sở phải thuê thêm công nhân. Thế nhưng, công việc cũng chỉ tất bật theo mùa. Ông Phan Đăng Trị – chủ cơ sở tiếp chuyện: “Dịp cận tết, trung bình mỗi ngày có từ 5-7 sản phẩm được bán ra với giá dao động khoảng 30-40 triệu đồng/ bộ. Chúng tôi còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Tuy nhiên, tình hình này lại không duy trì được đều đặn, những tháng đầu năm, khi nhu cầu tiêu dùng giảm thì SXKD cũng giảm theo”.

Ở Thái Yên không thiếu các cơ sở chuyên sản xuất hàng cao cấp với nguyên vật liệu chủ yếu nhập từ các tỉnh bạn như Quảng Bình, Đà Nẵng, thậm chí là nhập khẩu từ Lào, Indonesia. Tại đây, một bộ bàn ghế bằng gỗ mun hay trường kỷ, sập gụ sang trọng có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Hơn thế, nghề mộc Thái Yên còn được xây dựng thành cụm tiểu thủ công nghiệp suốt 15 năm qua, tạo thành “bản lề” giúp làng nghề bước sang trang mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số sản phẩm đều được bán ở thị trường nội tỉnh. Đến nay, dù trải qua hàng trăm năm tồn tại thì nghề mộc Thái Yên vẫn chưa đăng ký được thương hiệu. Cộng với đó là mẫu mã chậm cải tiến, thiếu phân khúc thị trường đã gây ra những “điểm trừ” trong cuộc đua giành thị phần với “đối thủ” là hàng nội thất công nghiệp.

Đa số sản phẩm mộc Thái Yên tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh

“Tiếp lửa” cho nghề mộc…

Sắp tới, dự án đầu tư và khai thác hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) Thái Yên gắn với phát triển làng nghề truyền thống và du lịch được Công ty CP Đầu tư IDI làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 134 tỷ đồng được xây dựng sẽ là “luồng gió mới” cho làng nghề Thái Yên.

“Làng mộc Thái Yên dù có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa đủ lực để tiếp cận các thị trường lớn. Qua quá trình thăm dò, thấy hướng đi của làng gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và các địa phương khác khá hay và mới mẻ, tôi đã quyết định đầu tư nhằm giúp người dân đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, có cơ hội phát triển bền vững” – Giám đốc Công ty CP Đầu tư IDI Trần Tiến Sỹ cho biết.

Nhiều tiềm năng nhưng mộc Thái Yên vẫn chưa đủ lực để tiếp cận các thị trường lớn.

Được biết, sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng (gồm cây xanh, mặt bằng…), công ty này sẽ kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất. Đặc biệt, toàn bộ kết cấu hạ tầng được công ty cam kết bảo trì thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng. Ông Trần Tiến Sỹ thông tin thêm: “Trước khi xả, toàn bộ nước thải công nghiệp phải được thông qua hệ thống thu gom, xử lý nhằm giảm thiểu đến mức tối đa mức độ ô nhiễm đối với môi trường sống”.

Theo chia sẻ từ một số hộ kinh doanh, hiện nay, họ không thể mở rộng quy mô sản xuất và tiến tới thành lập DN bởi mặt bằng sản xuất không đáp ứng được điều kiện. Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, CCN mới thắp lên hy vọng về mô hình sản xuất hiện đại, khép kín cho người dân trong tương lai gần. Theo quy hoạch, CCN mới sẽ đáp ứng yếu tố về mặt bằng, hạ tầng, cơ sở vật chất cho hơn 200 DN. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương.

Với những kinh nghiệm trong quản lý CCN và xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và quốc tế, DN cam kết xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi và phát triển thương hiệu làng mộc Thái Yên lên tầm cao mới. Để hỗ trợ pháp lý, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, DN tập trung thành lập văn phòng ngay tại CCN. Từ đó, phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, Liên minh HTX và các cơ quan chức năng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Thường xuyên tổ chức tập huấn về nghịêp vụ thuế, quản trị DN…; các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phát triển kinh tế trong tương lai. Đây sẽ là cầu nối trong chuỗi liên kết nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

“Dự án đang nhận được sự đồng thuận cao từ phía chính quyền địa phương và người dân. Chúng tôi kỳ vọng, với những đột phá mà dự án này mang lại, sản phẩm gỗ Thái Yên sẽ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, có cơ hội vươn ra biển lớn” – Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Tuấn khẳng định.

Nguồn: http://baohatinh.vn/kinh-te/dua-nghe-moc-thai-yen-thoat-khoi-ao-lang/130840.htm

 

Đưa nghề mộc Thái Yên thoát khỏi “ao làng”!